Tiền nhiều, lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 15 tháng

Nguồn cung dồi dào khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thấp, chạm mức đáy trong vòng 15 tháng, trước khi bật tăng trở lại do nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng.

Tiền nhiều, lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 15 tháng

Tiền nhiều, lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 15 tháng

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 28/10 đến 1/11 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, số dư tín phiếu giảm về 52 nghìn tỷ đồng, kênh thị trường mở (OMO) vẫn không phát sinh giao dịch mới, số dư duy trì bằng 0.

“Nguồn cung dồi dào khiến cho lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm thấp, chạm mức đáy trong vòng 15 tháng trở lại đây vào ngày 31/10/2019, trước khi tăng khoảng 0,2 điểm% vào 1/11/2019, lên mức 1,85%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,13%/năm với kỳ hạn 1 tuần do nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng”, chuyên gia của SSI cho biết.

SSI thông tin thêm, lãi suất liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa trong 2 tháng trở lại đây và dự báo sẽ duy trì ở vùng hiện tại, thậm chí đà giảm vẫn còn nếu NHNN tiếp tục giảm các lãi suất điều hành.

Trong một diễn biến mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa giảm lãi suất thêm 0,25 điểm%, về 1,5%-1,75%/năm kéo theo 10 ngân hàng trung ương khác cũng cắt giảm lãi suất, trong đó hầu hết là cắt giảm lần thứ 3 trong năm 2019.

Mặc dù, các lãi suất điều hành của Việt Nam vừa được giảm 0,25 điểm% vào tháng trước nhưng hiện tại vẫn ở mức khá cao, lãi suất OMO là 4,5%/năm và tín phiếu là 2,25%/năm. Trong khi đó, lãi suất tín phiếu đã cao hơn lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong cả tháng vừa qua.

“Với việc tỷ giá và lạm phát đang được kiểm soát tốt, chúng tôi nghiêng về khả năng lãi suất điều hành (tín phiếu) sẽ được giảm thêm 0,25 điểm% trong thời gian còn lại của năm 2019”, SSI nêu quan điểm.

Tuy vậy, lãi suất trên thị trường 1 không chịu nhiều tác động từ lãi suất điều hành hay diễn biến trên thị trường liên ngân hàng mà chịu ảnh hưởng từ nhu cầu huy động vốn tài trợ tín dụng trong quý cao điểm, cũng như các yêu cầu về cơ cấu vốn có hiệu lực từ 2020.

Ngoại trừ 2 trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,3 điểm%, kể cả với kỳ hạn dài 12-13 tháng, hầu hết lãi suất huy động các ngân hàng đều đi ngang. Một số ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ tiếp tục huy động kỳ hạn trên 13 tháng ở mức lãi suất 8,2-8,5%/năm hoặc đẩy mạnh huy động qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên với lãi suất 9-10%/năm.

Mức lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Về tỷ giá, tuần qua, tỷ giá giao dịch USD/VND đi ngang trong cả tuần, giữ ở mức 23.115/ 23.265 trên ngân hàng và 23.185/23.210 trên thị trường tự do. Tỷ giá trung tâm giảm 17 VND, về mức 23.138 VND/USD.

Trong tuần vẫn ghi nhận giao dịch bán ngoại tệ về NHNN, ghi nhận 4 tháng liên tiếp NHNN mua vào ngoại tệ, lượng mua khá lớn nhưng vẫn thấp hơn so với 4 tháng đầu năm.

“Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, 73 tỷ USD và kỳ vọng còn có thể tăng thêm nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng hiện tại”, chuyên gia của SSI nhận định.

+84845308888